Ngày Quốc khánh luôn đem đến những cảm xúc khó tả trong lòng mỗi người dân Việt Nam khi nghĩ đến. Tinh thần dân tộc của mỗi người dân đất Việt vốn đã cao lại càng được đẩy lên cao trào trong những dịp kỷ niệm ngày lễ khai sinh ra Đất nước. Quốc khánh được xem là ngày đại lễ của dân tộc nơi mà lòng yêu nước được hướng về, được giữ gìn và phát triển lên một tầm cao mới.
Đôi điều cần biết về ngày Quốc khánh
Lịch sử ngày Quốc khánh ra đời vào mùng 2 tháng 9 năm 1945 khi Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử lớn của dân tộc là Quảng trường Ba Đình, Hà Nội và nhân vật chính không ai khác là toàn thể người dân Việt Nam.
Quốc khánh 2/9 ra đời ngay sau khi cuộc cách mạng tháng Tám chiến thắng thực dân Pháp thành công và chính phủ lâm thời Việt Nam được thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng để đánh dấu độc lập toàn vẹn lãnh thổ và công bố cho thế giới về chủ quyền của quốc gia độc lập.
Kể từ thời điểm năm 1945 cho đến nay, ngày 2/9 được coi là Quốc khánh của dân tộc Việt Nam. Ngày mà toàn thể người dân chúng ta hướng về lòng yêu nước, hướng về Độc lập – Tự do – Hạnh phúc như khẩu hiệu mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên cho lịch sử.
Ngày lễ lịch sử của Dân tộc
Ngày 2/9 là ngày lễ lịch sử của Dân tộc, ngày Việt Nam được thế giới công nhận là một quốc gia có chủ quyền mà mọi thế lực nào xâm phạm đều được coi là kẻ xâm lược. Vào những ngày này, người dân cả nước hướng về lòng tự hào dân tộc, hướng về những tưởng nhớ với công lao đóng góp và sự hi sinh của những người đi trước để đem lại hoà bình cho ngày nay.
Ngày toàn dân hướng về tự do, độc lập
Ngày Quốc khánh là ngày đất nước Việt Nam được khai sinh, ngày mà tất cả mọi người dân được thoát kiếp nô lệ và sống một cuộc đời mới với tự do bình đẳng và bác ái. Dân tộc ta hướng về ngày này với lòng biết ơn sâu sắc với những người đã ngã xuống, những người đã hi sinh và cống hiến xương máu để chúng ta có được ngày hôm nay.
Toàn dân Việt hướng về ngày Quốc khánh với lòng yêu nước nồng nàn, hướng về niềm tự hào tự tin về vị thế của Quốc gia trên trường Quốc tế. Hướng về những giá trị lịch sử, hướng về độc lập tự do được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt của hàng triệu đồng bào.
Ngày nhớ về những thế hệ đi trước
Thế hệ cha anh của chúng ta đã đánh đổi tất cả, hi sinh bản thân, cống hiến xương máu vào cuộc chiến bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc, đó là những điều chúng ta không thể nào quên. Vào ngày Quốc khánh, khi niềm vui của hòa bình lan tỏa, đâu đó người dân Việt Nam không bao giờ quên sự hiện hữu của những người đi trước trong hoà bình và hạnh phúc có được ngày hôm nay.
Những thế hệ người Việt Nam đi trước đã để lại cho chúng ta một di sản to lớn, đó là di sản của lòng yêu nước bất khuất, của sự anh dũng trước mọi thế lực ngoại xâm, sẵn sàng đứng lên khi Tổ Quốc cần để giành lại sự tự do độc lập. Mỗi tấc đất của dân tộc Việt Nam ngày hôm nay đều lẫn máu xương của biết bao triệu người đã ngã xuống, đó là động lực để các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó để đưa dân tộc xứng tầm với thế giới.
Những kỷ niệm về ngày Quốc khánh 2/9/1945
Hồi ức về ngày Quốc khánh mùng 2/9/1945 là không thể quên trong lòng mỗi nhân chứng lịch sử, và với thế hệ sau là những tư liệu đáng quý được để lại khắc họa đậm nét những điều không thể quên đó. Điểm nét cơ bản kỷ niệm về ngày 2/9/1945 qua những nét dưới đây.
Bác Hồ và bản tuyên ngôn Độc lập Dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với bản tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9 chấn động địa cầu. Bản tuyên ngôn của Bác chính là một dấu ấn lịch sử cực kỳ đậm nét trong ngày lễ trọng đại của Đất nước.
Bản tuyên ngôn của Bác đã khẳng định rõ ràng với thế giới rằng “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã là một nước tự do và độc lập” và dân tộc Việt Nam luôn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ quyền đó. Tuyên ngôn đanh thép của Người đã chạm tới trái tim của biết bao đồng bào, là niềm cảm hứng của nhiều dân tộc thuộc địa trên thế giới vùng lên mạnh mẽ thoát khỏi áp bức thuộc địa.
Không khí ngày Quốc khánh 2/9 năm xưa
Hơn 50 vạn người dân đại diện cho mọi người đến từ mọi tầng lớp của dân tộc Việt Nam đã có mặt tại Quảng trường Ba Đình với cờ hoa, khẩu hiệu để chứng nhân cho giờ phút lịch sử khai sinh ra Đất nước. Niềm hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt, trong mọi hành động tay bắt mặt mừng, những chiếc ôm trao gửi niềm thương yêu và những khẩu ngữ hô vang Việt Nam muôn năm, tất cả những hình ảnh đó sẽ còn đọng lại mãi trong ký ức.
Không khí trong ngày đại lễ của dân tộc sẽ còn vang vọng mãi tới ngàn sau. Lễ đài chính của quảng trường Ba Đình sẽ mãi khắc ghi giây phút thiêng liêng đó, giây phút chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập và kể từ đó Việt Nam với một vị thế mới, một diện mạo mới đã tự nắm vận mệnh của mình và toàn dân được sống trong tự do độc lập và sẵn sàng bảo vệ điều đó.
Hoạt động tổ chức kỷ niệm ngày 2/9
Ngày nay nhiều hoạt động tổ chức kỷ niệm ngày 2/9 diễn ra thường niên, đại lễ của Đất nước được chính phủ, các cấp ngành địa phương quan tâm và toàn dân hưởng ứng. Vào dịp lễ này chúng ta có thể cảm nhận rõ tinh thần dân tộc trong từng phố phường.
Ngày lễ dân tộc toàn dân hưởng ứng
Kỷ niệm lễ Quốc khánh là ngày được toàn dân tộc hưởng ứng. Các cơ quan chính phủ, khối hành chính ban ngành và doanh nghiệp đều cho người lao động nghỉ việc trong ngày Quốc lễ để tận hưởng nghỉ ngơi với niềm vui độc lập và hướng về lòng yêu nước.
Khắp nơi tại đất nước Việt Nam đều là lễ hội, là các hình thức kỷ niệm chào mừng ngày Quốc khánh. Cờ hoa được treo khắp phố phường, và việc treo cờ Tổ Quốc là điều vừa bắt buộc vừa cũng là tự giác của mỗi gia đình.
Mọi người xuống đường tổ chức mít tinh, mọi gia đình hân hoan sum vầy để ăn mừng chiến thắng như thể ngày đầu độc lập. Tất cả điều đó thể hiện tình yêu nước nồng nàn tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam.
Tổ chức chương trình nghệ thuật trên toàn Quốc
Nhiều chương trình nghệ thuật được diễn ra trên khắp Đất nước. Các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp dành cho đại chúng hướng về lịch sử, hướng về kỷ niệm về lòng biết ơn dành đến cho những người đã ngã xuống để giành độc lập tự do cho dân tộc.
Ngày Quốc khánh là dịp để người dân tổ chức lễ hội, tổ chức vui chơi sum vầy hân hoan hướng tới tự do bền vững và nhớ về nguồn cội. Nhiều phong trào hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra tại khắp các địa phương với nhiều chương trình giao lưu đem đến một không khí tuyệt vời cho ngày lễ lớn của dân tộc.
Có thể bạn quan tâm:
- Lễ dạm ngõ – Tìm hiểu về văn hóa cưới truyền thống
- Ngày khai trường – Ngày lễ quan trọng của thế hệ học sinh
Tạm kết
Ngày Quốc khánh thật sự là một dịp để nhân lên lòng yêu nước vốn có trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Giá trị lịch sử của ngày Quốc lễ này sẽ luôn được bảo tồn và phát huy với tinh thần yêu nước tuyệt vời của nhân dân ta.