Trải qua hàng trăm năm, dân tộc Mông đã hun đúc được sự dũng cảm và kiên cường để phát triển và xây dựng bản làng quê hương xinh đẹp. Tuy là dân tộc thiểu số của Việt Nam nhưng người Mông gắn bó mật thiết với thiên nhiên và sở hữu cho riêng mình nền văn hoá đặc sắc, vẫn còn được thế hệ con cháu lưu giữ và phát huy cho tới nay.
Đồng bào dân tộc người Mông ở đâu?
Dân tộc Mông là một trong những dân tộc thiểu số có số dân đông nhất ở Việt Nam và sống chủ yếu tại các vùng núi với độ cao từ 1.000m trở lên thuộc các tỉnh miền Tây Thanh Hoá, Nghệ An, các tỉnh miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh Tây Nguyên. Người Mông sống tập trung ở một số huyện vùng núi trong các tỉnh rải rác ở Việt Nam. Rất hiếm thấy trường hợp người Mông sống chung với các dân tộc khác do đặc tính sinh sống riêng biệt. Nhà của họ luôn được dựng trên các triền núi và phía trước có nguồn nước, có suối, phía sau có núi chở che.
Hầu hết những người dân tộc Mông sử dụng gỗ pơ mu để dựng nhà cho mình và người Mông Hà Giang lại có điểm khác biệt là dựng nhà bằng đất trình tường vô cùng độc đáo. Do sinh sống tại các miền núi cao, khí hậu rất lạnh nên họ thường xây nhà thấp và không làm cửa sổ để kín gió.
Người dân tộc Mông được phân biệt thành nhiều nhóm khác nhau và nhận biết dựa vào trang phục, ngôn ngữ, bao gồm Mông Trắng (Mông Đơ), Mông Đen (Mông Đu), Mông Đỏ (Mông Si), Mông Hoa (Mông Lềnh), Mông Xanh (Mông Dua), Mông Mán (Mông Xúa) và nhóm người Na Mẻo. Mỗi nhóm người Mông lại sở hữu những tập quán có phần khác nhau đôi chút.
Quan hệ cộng đồng của người dân tộc Mông
Người Mông là dân tộc sinh sống theo chế độ phụ hệ và tính phụ quyền trong mỗi gia đình rất cao, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra quyết định các công việc trong gia đình và đây cũng là người thừa kế tài sản. Phụ nữ không có quyền thừa kế tài sản trong gia đình và khi lấy chồng thì trang sức bạc và váy áo chính là thứ tài sản duy nhất được mang theo.
Dân tộc Mông thường có quan hệ hôn nhân trong nội tộc và trường hợp hôn nhân với dân tộc ngoài vẫn có nhưng rất ít. Việc dựng vợ gả chồng để có con cái nối dõi tông đường rất được coi trọng và đồng thời còn thể hiện uy tín của dòng họ cũng như giúp tăng lên số lượng lao động. Do đó, các gia đình sinh con rất đông và bố mẹ thường ở với con trai út.
Đối với những người Mông, thiết chế dòng họ đóng vai trò cực kỳ quan trọng và bao giờ cũng không thể thiếu một trưởng họ, là người am hiểu luật lệ làng để giúp mọi người giải quyết mọi vấn đề xảy ra. Mỗi một họ trong làng lại có những quy định riêng và tất cả mọi người đều phải tuân theo những luật lệ đó.
Ngoài ra, còn có một luật lệ cũng đặc biệt không kém đối với dân tộc Mông, thể hiện ở chỗ nếu là người cùng họ còn có thể sống, chết ở nhà của nhau. Việc bố trí thờ cúng cũng được phân biệt rõ ràng bởi đây cũng được xem như cách để nhận biết những người trong cùng họ. Con gái đã lấy chồng coi như thuộc về nhà chồng và không được sinh đẻ hay chết trong nhà bố mẹ đẻ.
Nếp sống tập quán của dân tộc Mông
Bất cứ một dân tộc nào trên đất nước Việt Nam cũng đều sở hữu cho riêng mình những nét độc đáo riêng dễ nhận biết cùng với đa dạng phong tục tập quán. Cùng xem người Mông sinh sống với những tập tục, thói quen như thế nào sau đây nhé.
Tục lệ ăn uống hàng ngày của người dân tộc Mông
Người Mông thường sẽ ăn hai bữa trong ngày thường và ăn ba bữa trong ngày mùa. Bữa ăn của họ khá đơn giản, chỉ gồm các thực phẩm truyền thống có mèn mén hoặc cơm, canh, rau xào mỡ. Bột ngô được xúc bằng thìa gỗ và người phụ nữ có thể khéo léo chế biến thành nhiều loại bánh cho những ngày lễ, Tết.
Cùng với đó, người dân tộc Mông có thói quen uống rượu gạo, rượu ngô và hút thuốc bằng điếu cày. Việc chủ nhà đưa mời khách điếu thuốc do chính tay mình tự nạp thuốc chính là biểu hiện của tình cảm khăng khít và quý trọng khách. Không chỉ có thể, tục hút thuốc phiện đối với người Mông còn được hình thành phổ biến.
Trang phục của người Mông
Người Mông ăn mặc trang phục rất sặc sỡ và đa dạng, độc đáo giữa các nhóm với nhau, cũng có thể coi đây là điểm phân biệt của các nhóm Mông. Có thể thấy sự khác nhau giữa trang phục của những người phụ nữ, con gái dân tộc Mông:
- Phụ nữ Mông Trắng tự trồng lanh và dệt vải rồi may váy màu trắng cùng áo xẻ ngực, có thêu hoa văn ở yến sau và cánh tay. Họ cạo tóc và để chỏm xong đó đội những chiếc khăn rộng vành.
- Phụ nữ Mông Hoa mặc loại váy chàm và có thêu hoặc in hoa được làm từ sáp ong, mặc áo xẻ nách và trên vai và ngực có đắp vải màu và thêu. Họ để tóc dài và vấn tóc cùng với tóc giả.
- Phụ nữ người dân tộc Mông Đen mặc váy được làm từ chất liệu vải chàm cùng với áo xẻ ngực và có in hoa văn bằng sáp ong.
- Phụ nữ Mông Xanh có trang phục thường ngày là váy ống và những người có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, tóc cài bằng lược móng ngựa rồi đội khăn ra ngoài tạo thành hình trông như hai cái sừng.
Nhà ở của người dân tộc Mông
Người Mông sống quần tụ trong từng bản và mỗi bản lại có vài chục nóc nhà. Thường thì nhà của người Mông là nhà trệt có 2 chái 3 gian và 2 – 3 cửa, gian giữa của nhà đặt bàn thờ. Những nhà có điều kiện sẽ làm nhà bằng tường trình, mái lợp ngói, sàn gác lát ván và cột gỗ kê trên các tảng đá hình đèn lồng hoặc quả bí.
Loại nhà phổ biến nhất của người dân tộc Mông chính là nhà có bưng ván hoặc vách nứa, mái tranh. Người Mông cất trữ lương thực của mình ở trên sàn gác và ở một số nơi lại chứa lương thực ngay cạnh nhà.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Dân tộc Chăm – Nguồn gốc văn hóa xưa cũ của người Việt
- Dân tộc Dao và những đặc sắc trong phong tục tập quán
Hoạt động sản xuất của người Mông
Nguồn sống chính của những người Mông chính là làm nương định canh hoặc nương du canh trồng lúa và ngô, lúa mạch. Nông dân có truyền thống trồng xen canh các loài cây trồng chính với những cây phụ như vừng, đậu, lạc, rau, ý dĩ, khoai,… trên nương. Cày của người Mông có độ bền và tính hiệu quả rất cao.
Ngoài ra, trước đây dân tộc Mông còn trồng thêm cả thuốc phiện và ngày nay đổi thành các loại cây ăn quả như lê, đào, mận, vải,… hoặc cây lanh để phục vụ cho việc dệt vải may quần áo. Hoạt động chăn nuôi chủ yếu của người Mông là nuôi các loại gia súc như trâu, bò, ngựa và gia cầm là gà. Ngựa chính là phương tiện vận chuyển hiệu quả tại các vùng đồi núi cao.
Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về phong tục và nếp sống của những người dân tộc Mông. Mọi lĩnh vực của họ quả là phong phú và đa dạng. Sự độc đáo này có được là nhờ sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên đất trời cùng với tình yêu dân tộc sâu sắc của những thế hệ con cháu trải qua bao đời giữ gìn và phát huy.