Ngày Tết Đoan Ngọ đã cận kề, người dân lại nô nức chuẩn bị những món ăn thật ngon và đặc biệt cho ngày Tết này. Tuy nhiên, mỗi miền đều có những vật phẩm, món ăn Tết Đoan Ngọ 3 miền riêng biệt.
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Với nền văn minh lúa nước lâu đời, Tết Đoan Ngọ còn là ngày Tết diệt sâu bọ đối với người Việt ta. Theo truyền thuyết, ngày mùng 5 tháng 5 là ngày nóng nhất trong năm, các loại côn trùng cũng như mầm bệnh bắt đầu sinh sôi nảy nở, gây hại cho mùa màng. Được sự hướng dẫn của ông lão Đôi Truân, người dân đã dùng các món ăn dân dã như bánh tro, trái cây và tiêu trừ thành công những loại côn trùng này.
Có thể bạn muốn xem thêm:
- Kiêng kỵ ngày Tết Đoan Ngọ để giúp tránh điều không hay
- Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ và những điều cần phải kiêng kỵ
- Ý nghĩa Tết Đoan Ngọ trong phong tục và văn hóa Việt Nam
Không chỉ người Việt Nam, những nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan cũng ăn mừng ngày Tết này. Mỗi quốc gia đều có một phong cách riêng, thế nhưng chỉ ở Việt Nam cũng đã có ba miền với những món ăn vô cùng đặc sắc.
Ở miền Bắc, các gia đình thường ăn bánh tro chấm mật. Tuy nhiên, miền Trung lại chuộng thịt vịt. Còn ở miền Nam thì lại có chè trôi nước. Dù khác nhau, mỗi món ăn đều có hương vị đặc trưng và ý nghĩa riêng mà bạn nên biết đó!
Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc
Bánh tro (bánh gio) chấm mật
Đây là món ăn Tết Đoan Ngọ 3 miền đều có mặt, bánh tro ở miền Bắc lại đặc biệt hơn hẳn khi được chấm cùng mật mía vô cùng ngọt ngào. Bánh tro được thực hiện với phần nếp ngâm trong nước tro được đốt từ rơm, sau đó các bước gói, luộc mới được tiến hành.
Những chiếc bánh tro ra lò dậy mùi thơm khó tả, bánh có màu nâu trong đặc sắc, vị bánh lại ngai ngái và vương mùi tro đặc trưng. Bánh tro dẻo chấm cùng mật mía, cho vào miệng và cảm nhận sự ngọt ngào cùng độ dẻo dai hoà quyện với nhau thật hài hoà và ngon lành chẳng từ ngữ nào diễn tả được đủ hết.
Bánh khúc người Nùng
Là loại bánh đặc sản của người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai, bánh khúc đã dần phổ biến rộng khắp miền Bắc bởi hương vị thơm ngon và màu sắc đẹp mắt của chúng.
Nếp được lựa chọn thật kỹ, giã cùng lá khúc cho đến khi nhuyễn mịn rồi vo tròn. Lớp nếp xanh bên ngoài sẽ bọc lấy nhân đậu xanh giã, hành phi, mè đen hoà quyện với nhau bên trong. Bánh có thể được hấp hoặc chiên tuỳ theo khẩu vị từng gia đình.
Dù là kiểu chế biến nào, bánh khúc đều giữ được vị thơm ngon, béo bùi và màu xanh sẫm mướt mắt khiến ai nhìn thấy cũng đều muốn ăn.
Tết Đoan Ngọ ở miền Trung
Thịt vịt
Những món ăn gắn với những dịp lễ đều mang ý nghĩa quan trọng, thịt vịt được ăn vào Tết Đoan Ngọ ở miền Trung cũng không là ngoại lệ.
Vào ngày mùng 5 tháng 5, khi tiết trời dần oi bức và nóng nực hơn hẳn, thịt vịt có tính hàn sẽ giúp cơ thể cân bằng lại. Hơn nữa, những chú vịt bắt đầu vào mùa sẽ có thịt ngon, béo ú và không bị hôi kể từ ngày 5/5 trở đi.
Vịt được chế biến đa dạng như cháo vịt, vịt quay, vịt nướng,… đều rất dễ thực hiện và thơm ngon khiến ai cũng thích.
Chè kê
Là một trong những loại thực dưỡng, hạt kê được người miền Trung ưu ái chế biến thành món chè kê thành mát, bổ dưỡng dành riêng cho ngày Tết Đoan Ngọ.
Chè kê với phần nước đường có gừng rất ấm và mang vị ngọt thanh. Đặc biệt hơn nữa, chè được ăn cùng bánh tráng mè tuy lạ nhưng rất đáng thử. Khi ăn, bạn có thể dùng hẳn bánh tráng mè để múc chè, bánh tráng sẽ nhanh chóng mềm tan ra trong miệng, hoà quyện cùng vị chè ngọt dịu vô cùng hấp dẫn.
Tết Đoan Ngọ ở miền Nam
Bánh ú nước tro
Có thể bạn quan tâm:
- Tết thanh minh và những ý nghĩa sâu xa bạn chưa biết
- Thất tịch là lễ lớn và những điều thú vị bạn nên tìm hiểu
Là phiên bản Nam bộ của bánh tro (bánh gio), bánh ú nước tro nhỏ nhắn, xinh xắn với hình chóp ngộ nghĩnh sẽ dễ dàng bắt gặp tại các khu chợ vào ngày Tết này đó!
Bánh ú nước tro được gói trong một lớp lá, thường là lá tre hoặc lá chuối, phần nếp có màu nâu vàng rất đẹp, nhân bên trong là đậu xanh giã nhuyễn bùi, béo, ngọt nhẹ rất thơm ngon. Bánh có vị mát lạnh, vị ngọt xen lẫn sự dai dẻo của bánh sẽ là một món thật ngon để bạn giải nhiệt vào những ngày nắng nóng.
Chè trôi nước
Không chỉ xuất hiện vào dịp 23 tháng Chạp, chè trôi nước còn được người miền Nam thực hiện và thưởng thức trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Những viên chè được vo thật tròn trong lòng bàn tay, bên ngoài là bột nếp, bên trong là đậu xanh vô cùng đơn giản mà lại làm say đắm lòng người. Chè trôi nước còn được ăn cùng với nước đường và gừng giã nhuyễn, nước cốt dừa sánh và béo, đậu phộng rang đập dập bùi bùi hoặc một ít mè rang thơm lừng.
Chỉ cần ăn một viên chè, cảm nhận sự ngọt thơm hoà quyện trong miệng là bạn chỉ muốn ăn thêm thật nhiều nữa.
Như vậy, mình đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác nhau món ăn tết đoan ngọ 3 miền như thế nào khi đón ngày Tết này. Chúc bạn và gia đình sẽ có một ngày Tết diệt sâu bọ thật vui và trọn vẹn cùng gia đình nhé!
Tổng hợp: sukienquanhta.net