Tết Trung thu dịp lễ đã mang theo dấu ấn của người Việt qua bao đời này, trở thành ngày không thể thiếu tại Việt Nam. Đây là thời gian để mọi người có thể đoàn tụ, sum họp và cảm nhận cuộc sống yên bình, cũng là dịp để trẻ em có thể thỏa sức vui đùa bên mâm cỗ, dưới ánh trăng sáng. Vậy thực chất nguồn gốc và ý nghĩa của những phong tục trong ngày này là gì?
Tết Trung thu là gì?
Trung thu là nét văn hoá truyền thống đặc sắc tồn tại ở nhiều nước trên thế giới với thời gian hàng trăm năm và ẩn chứa bên trong là những ý nghĩa rất thú vị và tuyệt vời. Tết Trung thu diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm, là thời điểm trăng sáng nhất, tròn nhất và mọi người cùng nhau múa hát, vui đùa, phá cỗ dưới ánh trăng.
Ở nhiều nơi, lễ hội Trung thu còn được tổ chức rất lớn với các sự kiện múa lân, múa rồng để trẻ em có thể thỏa thích vui đùa và tận hưởng những giây phút yên bình của cuộc sống. Đặc biệt, tại Trung Quốc và một số các khu phố của người Hoa ở một số nước, ngày này còn tổ chức bắn pháo hoa với quy mô rất hoành tráng.
Tết Trung thu còn có một số các tên gọi ý nghĩa khác được sử dụng thường xuyên như Tết đoàn viên, Tết trẻ em, Tết trông trăng,… Và theo đó, các tên gọi tiếng Anh của lễ hội Trung thu cũng rất đa dạng, như Mooncake Festival, Mid-Autumn Festival, Moon Festival hay Full Moon Festival.
Lý giải nguồn gốc các phong tục Tết Trung Thu
Hàng năm, cứ mỗi dịp thu về, ai ai cũng háo hức chào đón ngày lễ Trung thu lớn để cùng nhau trò chuyện, vui đùa và phá cỗ dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Nhiều người cho rằng Trung thu là ngày lễ có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc nhưng thực tế thì nguồn gốc về dịp lễ này của 2 nước lại khác nhau.
Nếu Trung thu của người Trung Quốc là chuyện tình của Hằng Nga – Hậu Nghệ thì Trung thu Việt Nam lại là câu chuyện của chú Cuội và chị Hằng. Về thực tế, Tết Trung thu được xem là dịp lễ được tổ chức từ thời nhà Lý tại kinh thành Thăng Long theo các tài liệu ghi lại. Dịp này là cơ hội nhà Lý bày tỏ lòng biết ơn với thần Rồng đã cho con dân mùa màng bội thu, sự ấm no.
Vào lễ hội Trung thu, cách tổ chức của các nước khác nhau và tùy thuộc vào điều kiện cũng như đặc điểm văn hoá riêng biệt. Tuy nhiên, các phong tục vẫn được duy trì và người ta tổ chức dựa vào đó. Cùng lý giải nguồn gốc của khác phong tục này nhé.
Tết Trung thu chơi đèn lồng
Đèn lồng là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi dịp Trung thu với đa dạng màu sắc sặc sỡ và được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Đèn lồng được người Trung Hoa quan niệm là sự may mắn và bình an nếu treo trước nhà. Ở một số nơi, hình ảnh đèn lồng lại được thay thế bằng hoa đăng và mọi người có thể ghi ước nguyện của mình vào và mang đi thả.
Ở Việt Nam, đèn lồng được chế tác theo theo cách khác nhau và được xem như một vật dụng rước đèn của trẻ em. Các loại đèn lồng được thiết kế với đa dạng hình dáng kích thước và màu sắc, góp phần làm sáng rực lên những con đường làng vào ngày này. Đèn lồng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự ấm no và hạnh phúc của từng gia đình Việt Nam.
Tục ngắm trăng vào Tết Trung thu
Khoảnh khắc đón trăng vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt, biểu hiện sự sum vầy của các thành viên trong một gia đình vào ngày lễ này. Đối với một nền văn hoá lúa nước như Việt Nam, trăng mang một ý nghĩa to lớn với khí trời mát mẻ và giúp soi rõ mọi cảnh vật về ban đêm. Thời điểm này, mọi người có thể nghỉ ngơi và thưởng nguyệt, hòa mình vào với đất trời.
Tục phá cỗ dịp lễ Trung thu
Dịp Tết đoàn viên, các gia đình Việt đều bày mâm cỗ với đầy đủ những thứ quả, bánh kẹo,… với cách trang trí rất đa dạng tùy theo từng gia đình. Thời khắc cả gia đình quây quần phá cỗ và thưởng thức hương vị đặc trưng mùa thu chính là khi ánh trăng lên tới đỉnh đầu. Mâm cỗ này cũng để cầu mong cuộc sống ấm no và sự đoàn viên trong mỗi gia đình.
Tục múa lân vào Tết Trung thu
Vào dịp Tết đoàn viên, mọi con đường rạo rực ánh đèn lồng cùng những tiếng trống múa lân nhộn nhịp và sôi động. Người Việt thường tổ chức múa lân vào tối 14 và tối 15 với đội múa lân gồm có người đội đầu lân, chỉ huy đội theo nhịp trống cùng chú tiểu cầm chiếc quạt. Lân là con vật biểu trưng cho điềm lành nên múa lân được xem là tục cầu mong những điềm lành cho mọi nhà.
Tục cắt bánh Trung thu
Bánh Trung thu chắc chắn không còn xa lạ gì và không thể thiếu trong mỗi gia đình mỗi dịp Tết Trung thu. Đây là loại bánh biểu trưng cho sự đoàn tụ và hòa thuận của gia đình với nguyên liệu được làm từ bột mì và nhân đa dạng. Bánh Trung thu thường sẽ được cắt với số lượng phần bánh bằng với số thành viên trong gia đình để thể hiện sự hòa thuận, hạnh phúc.
Tết Trung thu tại Việt Nam được tổ chức thế nào?
Ỏ Việt Nam, Tết đoàn viên là ngày các gia đình tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên bằng một mâm cỗ cúng Trung thu. Mâm cúng tùy theo từng gia đình mà có thể chuẩn bị mâm chay hoặc mâm mặn với các hương vị mùa thu đặc trưng.
Vào buổi tối, một mâm cỗ trông trăng sẽ được chuẩn bị và đây là thứ không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Mâm cỗ này thường sẽ gồm các thành phần như bánh kẹo, hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo,… để mọi người có thể cùng nhau phá cỗ, ngồi hàn huyên những câu chuyện thường ngày, thưởng trà và ngắm trăng tuyệt đẹp.
Không chỉ có thể, Tết đoàn viên còn là dịp để trẻ em có thể thỏa sức vui đùa với những hoạt động vui chơi được tổ chức như rước đèn, múa lân, chơi các trò chơi dân gian. Nhiều nơi còn tổ chức rước đèn, hoạt động ca múa nhạc trong toàn khu phố rất vui.
Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu tại Việt Nam
Tết đoàn viên không chỉ là dịp trang trí mâm cỗ hay thưởng nguyệt mà còn được xem là nét văn hoá và phong tục đặc sắc của nhiều quốc gia, đặc biệt là Việt Nam. Tết đoàn viên Việt Nam mặc dù chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa nhiều nhưng vẫn mang riêng mình những nét độc đáo và ý nghĩa sâu sắc, cụ thể:
Bày tỏ sự biết ơn đối với thế hệ trước
Theo người Việt Nam, Trung thu chính là dịp để các gia đình bày tỏ sự biết ơn đối với các thế hệ ông cha đi trước bằng cách làm các mâm cỗ cúng tươm tất, đầy đủ. Đây cũng là dịp để con cháu báo hiếu với ông bà, bố mẹ.
Tết Trung thu thể hiện sự sum vầy, đoàn kết
Trung thu mang một ý nghĩa lớn lao, thể hiện sự sum vầy đoàn kết của gia đình, đặc biệt là chào đón sự trở về của những người con học tập và làm việc xa xứ. Khoảnh khắc mọi thành viên cùng nhau đoàn tụ, sum họp phá cỗ và trò chuyện, tâm sự mọi điều trong cuộc sống thực sự rất ý nghĩa.
Có thể bạn quan tâm:
- Tết Đoan Ngọ – Nguồn gốc và ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam
- Tết thanh minh và những ý nghĩa sâu xa bạn chưa biết
Trung thu là dịp để mọi người thoải mái nghỉ ngơi và tận hưởng
Bên cạnh ý nghĩa bày tỏ sự tôn kính, biết ơn và thể hiện tình đoàn viên sum vầy, Tết Trung thu cũng được xem là dịp để mọi người đi học, đi làm có thể nghỉ ngơi và tận hưởng không khí yên bình, vui vẻ của làng quê. Mọi người có thể quây quần bên gia đình sau những ngày làm việc mệt mỏi, giải tỏa mọi căng thẳng.
Thể hiện rõ dấu ấn văn hoá đặc sắc của người Việt
Tết Trung thu là dịp để hàng loạt các phong tục đặc trưng được thể hiện với những ý nghĩa riêng thể hiện dấu ấn của con người Việt Nam. Một số các phong tục như phá cỗ, chơi đèn lồng, rước đèn, múa lân,… đều được lưu giữ và duy trì cho tới tận ngày nay mà không mất đi ý nghĩa nguyên vẹn.
Như vậy, có thể thấy rằng nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu thực sự rất sâu sắc và thể hiện rõ nét riêng biệt, độc đáo trong phong tục của người Việt. Dấu ấn văn hoá này sẽ còn được duy trì và phát triển mãi mãi và tồn tại như một nét đặc trưng của con người ở đất nước xinh đẹp này.