Thế nào là hài kịch ứng tác? Sân khấu trống không, không phông màn, đạo cụ, người diễn không chuẩn bị trước mà ứng tác theo những đề xuất ngẫu hứng để tạo thành vở kịch ngắn. Có khi, khán giả được yêu cầu bật mí một bí mật hay được phát những mẩu giấy ghi tình huống, người diễn phải căn cứ vào đó diễn theo sao cho hợp lý. Cũng có lúc, khán giả được mời lên diễn cùng, bị đẩy theo diễn biến bất ngờ của câu chuyện. Ðể rồi những tiếng cười, hò reo vang lên không ngớt.
Sự biển đổi nhanh và linh hoạt trong hài kịch
Ðặc trưng của hài kịch ứng tác là diễn viên phải thật nhanh để đưa ra quyết định trước áp lực của diễn biến tình huống mà không được chần chừ suy nghĩ. Diễn viên kịch ứng tác phải hội đủ nhiều yếu tố như: khả năng ứng biến, sự linh hoạt, cách dùng cơ thể để biểu lộ suy nghĩ, khả năng diễn đạt ngôn ngữ…
Trên thế giới, sân khấu ứng tác đã xuất hiện từ hàng chục năm trước và tồn tại như một loại hình sân khấu riêng biệt. Ở Mỹ, thậm chí nhiều bang có nhà hát ứng tác và các liên hoan ứng tác được tổ chức đều đặn hằng năm. Ở nước ta, kịch ứng tác mới chỉ tồn tại dưới dạng một môn học trong các trường đào tạo diễn xuất chuyên nghiệp.
Theo một số chuyên gia sân khấu, loại hình này khá phù hợp để tổ chức diễn ở những sân khấu nhỏ hay câu lạc bộ nhằm mở rộng biên độ cảm thụ nghệ thuật cho khán giả, kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả với sân khấu; đồng thời giúp nâng cao khả năng ứng xử trước nhiều tình huống kịch của diễn viên.
Hiện nay đã có nhiều câu lạc bộ, nhóm hài kịch ứng tác được ra đời với sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn cho rằng đây chỉ là trào lưu nhất thời. Công chúng cần thời gian để tiếp nhận một bộ môn nghệ thuật mới. Vì thế, các diễn viên hài ứng tác cũng phải chấp nhận không ít thiệt thòi.
Đó là câu chuyện về những đêm sân khấu vắng khán giả, những chiếc vé chẳng thể bán hết. Mùa dịch Covid-19, khó khăn lại càng chất chồng. Các sân khấu kịch ứng tác phải đứng trước nhiều rủi ro. Nghệ sĩ cũng phải đương đầu với nhiều mối lo. Bài toán chinh phục khán giả vốn đã hóc búa nay càng khó tìm lời giải.
Sự phát triển của kịch ứng tác
Uy Lê – trưởng nhóm Sài Gòn Tếu – cho biết nếu không vướng sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 thì “kịch ứng tác” đã ra mắt vào dịp Tết nguyên đán. Nhưng cũng vì dịch bệnh đã giúp nhóm có thêm thời gian đầu tư thật chắc cho loại hình nghệ thuật mới này.
Từ khi sân khấu tấu hài không còn hoạt động tại TP HCM, sự xuất hiện của nhóm Sài Gòn Tếu với thể loại “độc thoại hài” được khán giả thích thú và diễn vào tối thứ tư, thứ sáu hằng tuần tại quán cà phê 698 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM.
Với “độc thoại hài”, nghệ sĩ sẽ biểu diễn trực tiếp trước khán giả và kể những câu chuyện hài hước về một thói quen, một hành động nào đó, thông qua tiếng cười sẽ gửi đến khán giả thông điệp tốt đẹp về đời sống cộng đồng.
Còn với “kịch ứng tác” sẽ xóa khoảng cách lâu nay giữa khán giả và diễn viên, khi người xem cũng là một phần của buổi diễn, trực tiếp tham gia quyết định hành động diễn xuất của diễn viên. Ở “kịch tương tác”, khán giả tham gia sẽ được làm diễn viên, sẽ được trải nghiệm, thư giãn, giải tỏa căng thẳng để thêm lạc quan yêu cuộc sống.
Ưu thế của nhóm chính là sự thông minh, dí dỏm của 9 thành viên, họ đã tạo dựng thương hiệu Sài Gòn Tếu bằng việc khai thác thông tin từ báo chí, truyền hình, những vấn đề giới trẻ đang quan tâm. Kênh YouTube của nhóm đã có hàng ngàn lượt người xem.
Tóm lại, hài kịch ứng tác (Improvisation comedy) là môn nghệ thuật hài kịch mà không có kịch bản, đạo cụ, trang phục biểu diễn hay bất cứ sự chuẩn bị trước nào. Người diễn viên sẽ lập tức lấy cảm hứng từ gợi ý hoặc câu chuyện của khán giả để có màn biểu diễn hài kịch ngẫu hứng, thú vị.