Việt Nam có 54 dân tộc anh em sinh sống trải dài trên khắp mọi miền của mảnh đất hình chữ S xinh đẹp và trong đó, mỗi dân tộc, vùng miền lại mang những nét văn hoá khác nhau. Phong tục tập quán Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn được chú trọng giữ gìn và phát triển, hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé.
Tìm hiểu phong tục tập quán Việt Nam
Phong tục tập quán được hiểu là những thói quen được hình thành trong thời gian lâu dài mang tính văn hoá dân tộc và lịch sử trong đời sống con người. Các nếp sống này dần trở thành những chuẩn mực văn hoá được mọi người công nhận và thực hiện theo.
Những chuẩn mực văn hoá có thể là quy phạm xã hội hay quy ước văn hoá mang tính tự nguyện đối với những thành viên trong cùng một cộng đồng xã hội. Có thể hiểu đơn giản đó là những ứng xử của con người với con người, con người với tự nhiên hay với chính bản thân mình và trở thành thói quen được lưu truyền lâu dài cho tới hiện tại.
Các phong tục tập quán được hình thành và lưu giữ tại Việt Nam có một số đặc điểm đặc trưng bao gồm:
- Các nếp sống tập quán mang trong mình tính dân tộc, tính lịch sử, tính giai cấp và tính vùng miền.
- Tính ổn định và bền vững của các phong tục tập quán được hình thành trong một thời gian dài song song với quá trình phát triển của lịch sử.
- Các phong tục tập quán được xem là cơ chế tâm lý bên trong, điều khiển lối sống và hành vi của các thành viên trong cộng đồng.
- Các nếp sống này được lưu truyền và phát huy qua bao nhiêu thế hệ qua hình thức truyền đạt thông qua giao tiếp cá nhân hàng ngày.
- Phong tục tập quán mang tính bảo thủ rất lớn và tác động một cách mạnh mẽ tới đời sống của con người.
Các phong tục tập quán Việt Nam điển hình
Cả 54 dân tộc Việt Nam có biết bao nhiêu nếp sống văn hoá và truyền thống vô cùng độc đáo. Những vẻ đẹp trong từng bộ trang phục khác biệt, văn hoá ẩm thực hay cách thức tín ngưỡng đều mang đậm ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự đa dạng trong phong tục tập quán. Cùng tìm hiểu về những nếp sống đặc trưng của người Việt dưới đây.
Phong tục giao tiếp của người Việt
Phong tục trong lĩnh vực giao tiếp của người Việt Nam đã được hình thành và phát triển qua rất nhiều thế hệ cha ông. Điển hình là một số các tập trung có thể thấy phổ biến trong cuộc sống hàng ngày như sau:
- Tục ăn trầu: Không chỉ các bà mà các ông cũng theo tục nhai trầu và điều này thể hiện tính dân tộc đậm đà của người Việt Nam. Một miếng trầu được hình thành từ 4 nguyên liệu chính là cau có vị ngọt, lá trầu không có vị cay, vôi có vị nồng và vỏ có vị đắng.
- Tục cưới hỏi: Hôn nhân không chỉ là nhu cầu đôi lứa mà còn phải tuân theo tập tục gia đình, gia tộc, làng xã nên được thực hiện rất kỹ lưỡng với nhiều lễ từ dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, hợp cẩn, lại mặt,… Tùy theo từng vùng miền khác nhau sẽ có những quy định riêng về việc tổ chức lễ cưới hỏi.
- Tục tang lễ: Phong tục này cũng được thực hiện rất tỉ mỉ và thể hiện sự thương xót của gia đình, bạn bè, người thân, đưa tiền người đã khuất qua thế giới bên kia. Thường thì trình tự lễ tang bao gồm tắm rửa, thay quần áo, khâm liệm, nhập quan, tổ chức tang lễ, truy điệu và đưa ma.
- Giỗ Tết: Đây là tập quán đã từ lâu đời, ngày giỗ chính là ngày mất của người đã khuất và rất được coi trọng và được cúng giỗ hàng năm để tưởng nhớ và cũng là dịp người thân họp mặt, bàn việc giữ gìn gia phong.
Phong tục tập quán về lễ Tết
Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng ngày lễ, Tết nhiều và đa dạng. Mỗi ngày lễ, mỗi ngày Tết lại mang một ý nghĩa thể hiện riêng và quan trọng nhất trong năm chính là Tết Nguyên Đán. Cùng điểm qua những ngày lễ đặc trưng khác của Việt Nam:
- Tết Nguyên Đán: Đây là dịp để người thân trong gia đình trở về sum họp dưới mái ấm gia đình và cội nguồn của mình. Thời khắc đêm giao thừa giữa năm mới và năm cũ sẽ có cỗ xôi gà và hoa quả để thắp hương gia tiên cầu may mắn, sức khỏe và tài lộc cho mọi thành viên gia đình trong năm tới.
- Tết Nguyên Tiêu: Chính là ngày rằm đầu tiên của năm mới và tùy theo từng vùng sẽ có cách thức thực hiện khác nhau. Thường thì mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng để dâng lên gia tiên thể hiện lòng thành kính và cầu nguyện năm mới bình an, mạnh khỏe, may mắn.
- Tết Trung Thu: Là Tết của thiếu nhi được tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm liên quan tới truyền thuyết về chị Hằng Nga và chú Cuội. Vào dịp này, các em thiếu nhi sẽ được rước đèn, phá cỗ, múa lân,… vui vẻ, còn người lớn có thể uống trà, thưởng nguyệt và tâm sự quây quần.
Phong tục tập quán Việt Nam về lễ hội truyền thống
Các lễ hội từ lâu đã trở thành nét đặc trưng, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc và là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người con Việt Nam. Không những thế, đây còn là cách để người Việt có thể quảng bá nền văn hoá đặc sắc của mình với bạn bè từ khắp năm châu. Mỗi miền khác nhau lại sở hữu cho riêng mình những lễ hội truyền thống ẩn chứa giá trị lịch sử khác nhau.
Lễ hội vùng Bắc Bộ
Văn hoá Bắc Bộ không chỉ là những nét phác thảo lễ hội mang đậm nét văn hoá Việt từ xa xưa mà còn thể hiện tính chất tín ngưỡng tôn giáo rất cao với những lễ hội điển hình sau:
- Lễ hội Chùa Hương: Đây là lễ hội điển hình, diễn ra tại huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Đến với hội Chùa Hương, du khách không chỉ đi lễ Phật mà còn được tham quan và chiêm ngưỡng sự tuyệt hảo của tạo hoá với những công trình độc đáo cùng nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, leo núi, đua thuyền, hát văn,…
- Lễ hội Đền Hùng: Thời gian diễn ra hội Đền Hùng là từ 1 – 10/3 Âm lịch tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội này được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng bằng việc dâng hương, rước thần, rước kiệu, hát xoan, hát ca trù và tổ chức các trò chơi dân gian.
Lễ hội vùng Nam Bộ và Tây Nguyên
Đây là khu vực có các lễ hội được tổ chức theo những cách thức vôc ùng độc đáo và được người dân địa phương lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tiêu biểu nhất ở đây chính là lễ hội cồng chiêng đã vinh dự được công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể bởi UNESCO. Đây còn được coi là hình thức tâm linh đã gìn giữ và lưu truyền qua bao đời bởi người dân.
Có thể bạn quan tâm:
- Lễ hội Halloween – văn hóa không thể thiếu của phương Tây
- Quốc tế thiếu nhi – ngày lễ cho trẻ em trên toàn thế giới
Lễ hội tại vùng Trung Bộ
Dải đất miền Trung luôn thu hút du khách khắp mọi miền với những lễ hội nhộn nhịp, vui tươi và thể hiện sự độc đáo, đa dạng trong nếp sống văn hoá của người Việt với một số các lễ hội như:
- Hội đua thuyền ở Đà Nẵng được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch trên sông Hàn hàng năm với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc và bình an.
- Lễ hội Lam Kinh: Được tổ chức vào 22/08 Âm lịch hàng năm tại Đền vua Lê và Đền Bố Vệ, tỉnh Thanh Hoá nhằm tôn vinh vua Lê Thái Tổ, là người đã có công lao lớn trong đấu tranh giải phóng đất nước và được coi là nét văn hoá cổ kính, độc đáo của dân tộc.
Trên đây là những phong tục tập quán Việt Nam điển hình nhất với những lễ, Tết và lễ hội thuộc đa dạng vùng miền khác nhau trên đất nước. Không thể phủ nhận sự tinh tế, độc đáo và đặc sắc của nền văn hoá thuộc dải đất chữ S này và bạn đừng bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng sự tuyệt vời của đất nước mình nhé.