Vào dịp lễ hội Holi, những người dân Ấn Độ lại ra đường và thỏa mái ném bột màu vào nhau để thể hiện sự tự do và xoá bỏ sự phân biệt ranh giới giai cấp vốn còn tồn tại trong xã hội. Lễ hội sắc màu này được xem là sự kiện được mong chờ nhất trong năm của người Ấn Độ và luôn được mọi người chào đón một cách nồng nhiệt nhất.
Lễ hội sắc màu Holi được tổ chức khi nào? Ở đâu?
Lễ hội trăng tròn của tháng Phalgun dựa vào lịch Hindu hay còn gọi là lễ hội sắc màu Holi, mang một vai trò quan trọng cùng ý nghĩa sâu sắc đối với những người dân Ấn Độ cùng với những quốc gia có cộng đồng người theo đạo Hindu sinh sống.
Lễ hội Holi được người dân tổ chức sôi động vào ngày trăng tròn tháng 3 hàng năm, vào khoảng tầm ngày 17/3. Tuy nhiên, có một số vùng vẫn có thể tổ chức sớm hơn như vùng miền Đông Ấn Độ hoặc Tây Bengal. Sự kiện này luôn được người dân mong chờ nhất trong năm và chào đón bằng rất nhiều phần nghi lễ và lễ hội hấp dẫn.
Holi đánh dấu sự kết thúc của một mùa đông lạnh lẽo và khởi đầu cho năm mới bằng mùa xuân tươi mới hy vọng vào một mùa màng bội thu và thành công. Đồng thời, lễ hội này cũng được xem là ngày để kỷ niệm và ca ngợi sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Mọi người tham gia vào ngày này trong lễ hội Holi đều có thể thỏa thích ném đủ thứ bột màu vào nhau một cách vui vẻ, không một lời phàn nàn. Lễ hội màu sắc còn được tổ chức như để người dân có dịp tưởng nhớ về câu chuyện của Prahlada, một cậu bé trung thành của vị thần Vishnu thuộc Hindu giáo.
Ở đất nước Ấn Độ, lễ hội sắc màu rực rỡ này được tổ chức hầu hết ở khắp mọi nơi trên đất nước và lớn nhất là tại Mathura cách Delhi khoảng 4 giờ đồng hồ đi xe. Không những thế, các quốc gia theo đạo Hindu khác cũng mong chờ ngày lễ lớn nhất năm này.
Truyền thuyết nổi tiếng ẩn chứa sau lễ kỷ niệm Holi
Tương tự như những lễ hội khác thuộc các nền văn hoá khác nhau, sự ra đời của Holi cũng gắn liền với những truyền thuyết nổi tiếng. Có 2 câu chuyện lịch sử thú vị được truyền lại cho tới ngày nay liên quan tới sự hình thành lễ hội Holi như sau.
Câu chuyện về em gái của vua – Holika Dahan
Truyền thuyết kể lại rằng từ xa xưa đã có một vị vua hùng mạnh có tên Hiranyakashipu, là một ác quỷ và bị mọi người ghét bỏ vì sự tàn ác của mình. Tự ông coi mình là Chúa và bắt mọi con dân phải tôn thờ mình nhưng riêng Prahlada – con trai ông, lại là một tín đồ của thần Vishnu lại từ chối cúng cha mình khiến ông căm tức và cố gắng giết con nhiều lần nhưng không được.
Sau đó, ông nhờ người chị độc ác của mình giúp đỡ. Cô sở hữu sức mạnh đặc biệt, chính là miễn nhiễm với lửa nên đã lừa Prahlada ngồi trên giàn thiêu. Tuy nhiên, do có âm mưu xấu xa nên sức mạnh của cô đã bị vô hiệu hoá và bị thiêu rụi thành tro, cũng là lý do mà nghi lễ Holika Dahda trong lễ hội Holi ra đời.
Mặt khác, sức mạnh đặc biệt đó lại được truyền sang cho Prahlada và anh đã được cứu sống. Đây cũng chính là lý do tại sao mà dân chúng lấy tên gọi Holi trong Holika Dahan để tổ chức lễ hội từ ngày đầu tiên thể hiện sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Câu chuyện về tình yêu sùng kính của Krishna và Radha
Đây là câu chuyện thứ 2 liên quan tới sự ra đời của Holi và tại vùng Braj tại Uttar Pradesh, lễ hội Holi được tổ chức cho tới ngày Rangpanchmi như một ngày lễ lớn để tưởng nhớ tình yêu sùng kính của Krishna và Radha. Khi Krishna còn nhỏ, anh có màu da xanh dương vô cùng đặc biệt khi sữa mẹ bị nhiễm độc quỷ Putana.
Sau này, khi lớn lên, anh luôn cảm thấy buồn rầu vì không biết liệu Radha hay những cô gái khác có thích mình không bởi màu da lạ lùng của anh khó mà chấp nhận được. Chịu đựng sự tuyệt vọng của mình, mẹ của Krishna đã yêu cầu anh tô màu khuôn mặt của Radha bằng bất cứ màu nào anh muốn. Anh đã tô màu và từ đó 2 người trở thành một cặp, chơi với màu sắc trên Holi.
Ý nghĩa sâu sắc của lễ hội Holi
Lễ hội sắc màu Holi được xem như ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm đối với người Ấn Độ. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt to lớn với người dân theo đạo Hindu ở đây. Dựa theo những câu chuyện truyền thuyết, lễ hội được xem như dịp để hy vọng về một mùa màng bội thu sau một năm và khởi đầu mùa xuân tươi mới, cũng là ngợi ca sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác.
Người dân có thể ra đường trong lễ hội Holi, thỏa sức nô đùa và ném bột màu vào nhau vô cùng vui vẻ. Những bột màu này được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau với những loại thảo mộc, hoa, bột và gia vị khác. Người dân sẽ phải tốn nhiều thời gian và kỳ công chuẩn bị những màu sắc sử dụng trong lễ hội. Những màu sắc ở đây đều mang một ý nghĩa riêng và bao gồm:
- Màu xanh lá: Biểu trưng cho sự tinh khiết của những con dân tại Ấn Độ.
- Màu đỏ tươi: Biểu trưng cho sự thay đổi tươi mới và cũng là màu sắc đặc trưng của lễ hội.
- Màu da cam: Biểu trưng cho niềm hạnh phúc và sự vui vẻ.
Các nghi lễ được tiến hành trong lễ hội Holi
Không chỉ riêng ném bột màu mà lễ kỷ niệm Holi còn được người dân đón chào một cách nồng nhiệt với đa dạng nghi lễ đặc biệt. Mỗi một phong tục lại ẩn chứa bên trong những điều thú vị riêng. Cùng điểm qua những nghi lễ chính được tổ chức trong Holi sau đây.
Chuẩn bị dựng giàn thiêu Holika
Vào những ngày trước khi diễn ra lễ hội Holi, người dân thường sẽ thu thập các vật liệu dễ cháy, đặc biệt là gỗ để tập trung về công viên hoặc trung tâm cộng đồng. Giàn thiêu Holika sẽ được xây dựng tại đây, là một hình nộm tượng trưng cho Holika, là người đã bị lửa thiêu. Những người phụ nữ trong ngày này sẽ chuẩn bị những món ngon như malpuas, mathri, gujiya,…
Nghi lễ Holika Dahan trong lễ hội Holi
Vào đêm trước lễ Holi diễn ra, thường là đúng lúc sau khi mặt trời đã lặn, mọi người cùng nhau tụ tập quanh giàn thiêu và châm lửa đốt. Nghi lễ này tượng trưng cho sự chiến thắng mãnh liệt của cái thiện trước cái ác và mọi người có thể cùng nhau vui vẻ hát hò, nhảy múa quanh đống lửa trong lễ hội Holi.
Có thể bạn quan tâm:
- Tết Nguyên Đán – Tìm về nguồn gốc và nét đẹp cổ truyền
- Giỗ Tổ Hùng Vương – Ngày lễ tưởng nhớ các vị Vua lập quốc
Vui đùa với những thứ bột màu sắc
Sáng hôm sau, lễ hội Holi chính thức bắt đầu và mọi người ra đường với những túi bột màu khô hoặc quả bóng có chứa dung dịch màu để ném và phun màu vui vẻ vào người khác. Cho tới cuối buổi sáng, mọi con đường sẽ hiện ra một bức tranh đầy màu sắc và đây cũng chính là lý do lễ hội này được gọi là lễ hội màu sắc.
Mọi người vui đùa cùng tiếng hát hò và tiếng trống trong lễ hội Holi, cùng nhau thưởng thức món ăn gujiya, mathri, malpuas cùng những món ăn truyền thống khác. Cùng với đó, món đồ uống được mọi người sử dụng là Bhang được chế biến từ những món thảo mộc địa phương.
Cuối ngày của lễ hội Holi
Sau một ngày vui chơi vui vẻ với đủ thứ màu sắc, mọi người sẽ tắm rửa sạch sẽ và khoác lên mình những bộ trang phục mới, chào đón mọi người bạn bè và người thân tới ghé chơi. Bởi Holi là lễ hội của sự tha thứ và bắt đầu năm mới tràn đầy sự tươi mới nên mọi người luôn mong muốn tạo ra sự vui vẻ, bỏ qua hết những hận thù lại năm cũ.
Có thể thấy, lễ hội Holi đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân theo đạo Hindu ở Ấn Độ. Nếu có dịp tới thăm đất nước xinh đẹp này, bạn đừng bỏ lỡ cuộc vui với những sắc màu hấp dẫn vào dịp tháng 3 đầu năm này nhé.